Review sách Dev UP

Review sách Dev UP

Đây là một cuốn sách khá hay, toàn diện về nhiều khía cạnh trong đời sống lập trình viên. Tác giả là anh Nguyễn Hiển - một lập trình viên, nhà quản lý, lãnh đạo, tư vấn lâu năm. Nội dung được trình bày khá giản dị nhưng gần gũi, là đúc kết kinh nghiệm nhiều năm của tác giả.

Cuốn sách được chia làm 5 phần: Những thế lưỡng nan, thử nghiệm, đánh giá, học tập, thực thi. Năm phần cũng chính là 5 bước trong mô hình vòng lặp DevUP mà tác giả đề xuất. Nói nôm na nó là việc bạn lựa chọn một việc gì đó, thử nghiệm và thực thi rồi rút ra bài học, sau đó cứ tiếp tục vòng lặp đó hàng ngày để ngày một tiến bộ.

image.png

Experiment - Valuation - Unlearn - Performance Vòng lặp 4 bước này sẽ giúp bạn liên tục phải vận động, học hỏi cái mới, rèn luyện kỹ năng, mở rộng các mối quan hệ với cộng đồng trong và ngoài ngành IT. Mỗi lần đi hết một cung tròn, chính là một lần LTV nâng cấp được trình độ, kỹ năng của mình. Nó có thể tốn 1 tháng, cũng có thể chỉ 1 tuần.

Bạn cũng sẽ biết cách đánh giá ROI - Return Of Investment mỗi khi đưa ra quyết định.

VD: bạn đã có nền tảng Java 8 rồi thì giữa việc học thêm Java 11 và học mới Golang, cái nào có ROI cao hơn? Cái đó tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Nếu công ty bạn chuộng Java và sắp tới có xu hướng sử dụng Java 11, thì đương nhiên việc học Java 11 có ROI cao hơn. Nhưng nếu bạn có mong muốn chuyển sang môi trường mới và Go là ngôn ngữ được chuộng ở các công ty đó, thì đầu tư vào Go ở thời điểm hiện tại là một lựa chọn đúng đắn. Còn nếu bạn thấy Return từ 2 việc trên là như nhau, bạn nên học Java 11 vì đơn giản Investment cho việc học Java 11 ít hơn, do đó ROI tốt hơn.

image.png

Và một điều nữa là một chuyên môn giỏi phải đi kèm với khả năng nhìn toàn cảnh thì mới mang lại kết quả. Nếu không, có thể một phần mềm hoàn hảo được sinh ra nhưng không có người dùng.

Trên đây là một vài nhận xét về cuốn sách. Giờ là tới chi tiết từng phần mà mình tóm tắt lại theo ý hiểu của mình, sau còn đọc lại.

I. Hiểu những thế lưỡng nan

Cuộc sống luôn đi kèm với những hoàn cảnh éo le, không rõ trắng đen, đòi hỏi bạn phải ra quyết định. Đúng hay sai à? còn tùy vào góc nhìn.

Bản thân mình cũng từng đứng trước nhiều ngã ba đường: đi làm Dev hay BA, đi hát mỗi tối kiếm tiền, vui nhưng bấp bênh hay theo ngành IT đã chọn.

Đấy là đối với định hướng nghề nghiệp. Còn chỉ riêng trong ngành IT cũng có hàng chục thế lưỡng nan được tác giả đưa ra đánh giá.

p1.jpg

Chung quy lại, đứng trước những lựa chọn, tác giả khuyên các LTV nên cân nhắc được-mất trong dài hạn thay vì nhìn vào những thứ trước mắt như lương bổng hay vì name của một công ty. Làm việc ở nước ngoài về lâu dài chưa hẳn đã phải là tốt, hay ở lại trong nước cũng không hẳn là tụt hậu. Tác giả đã chỉ ra ưu/nhược điểm của từng lựa chọn, cho chúng ta cái nhìn từng trải của một người lâu năm trong nghề.

Đi hay ở, tập đoàn lớn hay startup, đi sâu hay đi rộng, lương tăng bao nhiêu là đủ,... tùy ở việc bạn muốn gì, muốn đạt được gì trong 5-10 năm tới. Mục tiêu dài hạn sẽ ảnh hưởng tới những quyết định của bạn trong hiện tại.

An "easy" short-term decision may introduce long-term problems

- Noam Wasserman -

II. Thử Nghiệm

Khi đã ở trong thế lưỡng nan, LTV chỉ còn cách lựa chọn theo những gì linh tính mách bảo (cái này là tôi thêm vào :D). Vì nếu cứ phân vân thì cũng vấn đề cứ nằm đó. Chi bằng ta cứ chọn và thử nghiệm.

Hãy thử nghiệm một thiết kế, công cụ, hay công nghệ trong những pet project của riêng mình. Khi tầm ảnh hưởng của bạn trong tổ chức tăng lên, hãy mạnh dạn đề xuất những kết quả từ những thử nghiệm cá nhân.

p2.jpg

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn sẽ không thể trải nghiệm đủ những công nghệ, dự án, domain mà bạn muốn nếu chỉ làm những gì được giao. Hãy mạnh dạn xin chuyển team nếu thực sự muốn trải nghiệm ở vị trí khác. Và chăm chỉ thử nghiệm trong những pet project của bạn.

III. Đánh giá

Sau khi đã thử nghiệm thì cũng phải đánh giá kết quả chứ nhỉ: đúng hay sai, mình đang đứng ở đâu, học được điều gì? Và sau những thử nghiệm và đánh giá đó, con đường của bạn ngày càng rõ ràng, hoặc chí ít bạn cũng đã có thêm dữ kiện cho những quyết định sắp tới.

p3.jpg

Đánh giá xem mình đang Junior hay Senior, lựa chọn nào có ROI tốt hơn, góc nhìn của mình đã toàn cảnh chưa, phản hồi từ đồng nghiệp hay cấp trên như thế nào?

IV. Học tập

Sau khi đã biết mình đang ở đâu, còn thiếu gì, thì là lúc bạn cần bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh. Học tập cũng có nghĩa là sắp đặt, cấu trúc lại hệ thống kiến thức đã có nhằm tiếp thu những kiến thức mới. Nôm na là unlearn, xem lại những gì mình đã học và từ bỏ nếu chúng không còn đúng đắn.

p4.jpg

Tác giả đã đưa ra ý kiến về những điều tưởng chừng như là chân lý, thường như cơm bữa đối với LTV. Từ chuyện tỏ ra lập dị, hay trễ hẹn, tâm lý kiểu gì cũng có bug, tư tưởng đòi hỏi yêu cầu hay quy trình phải rõ ràng,... cho tới tư tưởng LTV chỉ làm tới 40 tuổi. Những lối suy nghĩ này tưởng như là bình thường nhưng lại trở nên bất thường hoặc sai trong thời điểm hiện tại.

Ngay bản thân mình cũng đã từng nghĩ như vậy khi còn đi học. Cho tới khi đi làm, gặp nhiều người anh/chị rất giỏi trong nghề, mình mới thấy những điều nhiều LTV hay chẹp miệng cho qua hay coi là hiển nhiên đó thực chất đang khiến họ trở nên xuề xòa, dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp, và xa hơn là bị tụt lại phía sau.

Đừng cố bám vào những điều xưa cũ. Hãy học cách thử thách mọi thứ, từ phong cách code, công nghệ, quy trình, thậm chí, đến cách thức xây dựng hệ thống phần mềm.

V. Thực thi

Có làm thì mới có ăn, không làm mà đòi có ăn thì ...

Đấy, học chán r thì phải thực hành, hành động hàng ngày một cách đúng đắn. Đó chính là lúc LTV chuyển hóa những thử nghiệm thành một tư duy, kỹ năng bền vững của bản thân, thậm chí như một thói quen hay phản xạ vô điều kiện.

Và giá trị của một LTV sau cùng sẽ được đo đếm bằng giá trị kết quả mà anh ta mang lại trong công việc, cho tổ chức, cho cộng đồng.

IMG20221112180516.jpg

Do vậy, ngoài việc thực thi công việc, LTV còn phải cải thiện những kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng khi làm việc trong một tổ chức như problem solving, quản lý công việc, giao tiếp/cộng tác với đồng nghiệp, hay chỉ đơn giản ở việc biết say no.

Cuối cùng, không ai phát triển được chuyên môn nếu tách mình ra khỏi cộng đồng chuyên môn. Tham gia và đóng góp vào cộng đồng chuyên môn nên là ưu tiên quan trọng của LTV. Hãy theo dõi và học hỏi những LTV giàu kinh nghiệm. Hãy chủ động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình với cộng đồng, qua đó giúp ích cho những người khác và bạn cũng sẽ nhận được những phản biện của những LTV khác để hoàn thiện mình.


Đó là đôi dòng những gì mình nhận xét và tóm tắt lại từ cuốn Dev UP. Nhiều kiến thức lắm, không nhớ hết được, nên chắc thỉnh thoảng phải đọc lại. Ae nào chưa đọc thì lên Tiki mà đặt về nhé. Bổ ích lắm :D

Thôi nay thế thôi nhé, tôi đi chạy bộ đã =)))

-- Hanoi 12/11/2022 18h23 --